Diển Đàn lớp Đ02NTPT01-Lớp Xuất Nhập Khẩu 02
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

[TruyệnPro8x] Thủ tục Hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu

Go down

[TruyệnPro8x] Thủ tục Hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu Empty [TruyệnPro8x] Thủ tục Hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu

Bài gửi  Admin Wed Mar 17, 2010 6:04 am

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu

Ngày 16-4, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 53/2003 quy định thủ tục hải quan với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu. Thông tư có hiệu lực từ ngày 30-5-2003.

QUYẾT ĐỊNH của Bộ trưởng Bộ Tài chính số 53/2003/QĐ-BTC
ngày 16-4-2003 ban hành Quy định về thủ tục hải quan
đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 1495/2001/TCHQ ngày 26 tháng 12 năm 2001, Điều 4 Quyết định số 19/2002/QĐ-TCHQ ngày 10-01-2002 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn khác trái với nội dung quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KT. Bộ trưởng Bộ Tài chính
Thứ trưởng

TRƯƠNG CHÍ TRUNG

-----------------------------------------

QUY ĐỊNH về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu
(ban hành kèm theo Quyết định số 53 /2003/QĐ-BTC
ngày 16-4-2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hóa xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, bao gồm:

- Địa điểm thông quan nội địa (gọi tắt là ICD),

- Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu,

- Cửa khẩu không phải là cửa khẩu xuất hàng,

- Địa điểm kiểm tra hàng hóa ngoài cửa khẩu, đến cửa khẩu xuất.

2. Hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hóa nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến:

- Địa điểm thông quan nội địa (ICD),

- Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu,

- Cửa khẩu không phải là cửa khẩu nhập hàng,

- Địa điểm kiểm tra hàng hóa ngoài cửa khẩu.

3. Điều kiện để hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được chuyển cửa khẩu:

- Hàng hóa phải được chứa trong con-ten-nơ hoặc phải được chứa trong các loại phương tiện, xe chuyên dùng đáp ứng được yêu cầu niêm phong hải quan;

- Đối với lô hàng không thể niêm phong được (hàng siêu trường, siêu trọng...) thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập phải thông báo chi tiết cho Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu biết về tình hình hàng hóa vận chuyển không niêm phong.

4. Việc giám sát hàng hóa chuyển cửa khẩu thực hiện bằng niêm phong hải quan hoặc bằng các phương tiện, biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ. Niêm phong hải quan thực hiện như sau:

4.1. Đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu: Do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập niêm phong.

4.2. Đối với hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu:

a) Nếu hàng hóa làm thủ tục hải quan tại ICD thì Chi cục Hải quan ICD niêm phong.

b) Nếu hàng hóa đã được kiểm tra thực tế tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu thì Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu niêm phong.

c) Trường hợp hàng hóa phải kiểm tra thực tế nhưng Hải quan ngoài cửa khẩu chưa kiểm tra, mà chuyển Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra, thì công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa ở cửa khẩu xuất niêm phong.

d) Trường hợp hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế: Không niêm phong hải quan, nhưng đối với một số trường hợp xét thấy cần thiết để chống gian lận thương mại thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu làm thủ tục xuất khẩu quyết định niêm phong hải quan lô hàng đó. Trường hợp có cơ sở phát hiện lô hàng có sai phạm thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất quyết định kiểm tra thực tế lô hàng đó và thông báo cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu biết.

5. Quy định về luân chuyển Biên bản bàn giao (Phụ lục 2 Quyết định này) hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu:

Khi nhận được Biên bản bàn giao do các đơn vị khác chuyển đến, Chi cục Hải quan nơi nhận lập Bảng thống kê các Biên bản bàn giao (bao gồm các nội dung: số thứ tự; số, ngày, Biên bản bàn giao, số, ngày tờ khai hải quan, Chi cục làm thủ tục hải quan, tình trạng hàng hóa khi nhận), cứ 5 ngày làm việc phải fax cho đơn vị gửi 01 lần, (không phải gửi trả lại Biên bản bàn giao). Quá thời hạn trên không nhận được Bảng thống kê thì đơn vị gửi thông báo cho Chi cục Hải quan nơi nhận biết để phối hợp xác minh làm rõ. Đối với trường hợp lô hàng cần phải theo dõi thì Chi cục Hải quan nhận phải fax Biên bản bàn giao ngay để đơn vị gửi nắm được thông tin kịp thời.

6. Trường hợp hàng nhập khẩu được dỡ xuống cảng khác cảng đích ghi trong vận tải đơn và được vận chuyển đến cảng đích bằng phương tiện vận tải khác thì coi như là hàng chuyển cửa khẩu, thủ tục hải quan thực hiện như hàng chuyển cửa khẩu.

7. Chủ hàng, người vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khẩu có trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa, đi đúng tuyến đường, đúng thời gian ghi trong hồ sơ, luân chuyển bộ hồ sơ hải quan cho Chi cục Hải quan nơi gửi, nơi nhận.

8. Quy định này áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu chuyển cửa khẩu giữa cửa khẩu xuất/nhập khẩu và địa điểm làm thủ tục hải quan thuộc tỉnh, thành phố khác với tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất/nhập.

Đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu giữa hai đơn vị Hải quan thuộc cùng Cục Hải quan một tỉnh, thành phố thì trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản tại Quy định này, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quy định thủ tục cụ thể theo hướng đơn giản, ít giấy tờ hơn, bảo đảm yêu cầu quản lý, để áp dụng cho các đơn vị trực thuộc.

II. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA
XUẤT KHẨU CHUYỂN CỬA KHẨU

1. Đối với lô hàng xuất khẩu được làm thủ tục hải quan và giao hàng tại ICD (có vận tải đơn ghi nơi giao hàng là ICD):

1.1. Trách nhiệm của chủ hàng:

a) Nộp tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại Chi cục Hải quan ICD theo quy định đối với lô hàng xuất khẩu.

b) Đưa hàng hóa xuất khẩu đến ICD để làm thủ tục hải quan.

1.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ICD:

a) Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan và làm thủ tục xuất khẩu theo đúng quy định tại quy trình nghiệp vụ hải quan đối với hàng xuất khẩu.

b) Giám sát xếp hàng xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan vào con-ten-nơ.

c) Niêm phong hải quan con-ten-nơ hàng xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan tại ICD.

d) Lưu hồ sơ hải quan gồm: 01 tờ khai hàng hóa xuất khẩu có xác nhận đã làm thủ tục hải quan, 01 biên bản bàn giao và các chứng từ khác theo quy định.

e) Giao người vận chuyển 01 biên bản bàn giao để làm chứng từ vận chuyển trên đường (biên bản này chủ hàng có trách nhiệm chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cùng bộ hồ sơ kèm theo).

f) Niêm phong bộ hồ sơ hải quan, giao người vận chuyển để chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất. Hồ sơ gồm: 01 tờ khai hàng hóa xuất khẩu xác nhận đã làm thủ tục hải quan và 01 Giấy thông báo thuế (nếu có thuế).

g) Theo dõi lô hàng cho đến khi nhận được bản fax Bảng thống kê các Biên bản bàn giao của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

h) Xác nhận thực xuất cho lô hàng trong trường hợp hàng được giao cho người vận tải tại ICD (vận tải đơn được ký phát giao hàng tại ICD).

1.3. Trách nhiệm của người vận chuyển hoặc doanh nghiệp kinh doanh ICD (nếu doanh nghiệp này thực hiện việc vận chuyển):

a) Bảo đảm nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan, niêm phong của hãng vận chuyển trong suốt thời gian hàng hóa được lưu giữ tại ICD và trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ ICD đến cửa khẩu.

b) Luân chuyển hồ sơ hải quan giữa Chi cục Hải quan ICD với Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

1.4. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:

a) Tiếp nhận lô hàng xuất khẩu, đối chiếu với Biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan ICD lập để thực hiện các công việc còn lại về thủ tục hải quan cho lô hàng xuất. Trường hợp có cơ sở xác định lô hàng có sai phạm thì Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu xuất xem xét quyết định việc kiểm tra và thông báo cho Chi cục Hải quan ICD biết về việc đó.

b) Ký xác nhận Biên bản bàn giao và lưu; lập Bảng thống kê các Biên bản bàn giao đã nhận và fax cho Chi cục Hải quan ICD để đối chiếu, theo dõi, thanh khoản theo quy định tại điểm 5 Mục I trên.

c) Giám sát hàng hóa xuất chuyển cửa khẩu cho đến khi hàng thực xuất.

2. Đối với lô hàng xuất khẩu được làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nhưng nơi giao hàng là cửa khẩu xuất (vận tải đơn ghi nơi giao hàng là cửa khẩu xuất):

2.1. Trách nhiệm của chủ hàng:

a) Nộp tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu theo quy định.

b) Đưa hàng hóa xuất khẩu đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu để cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với hàng phải kiểm tra thực tế).

c) Bảo đảm nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa đến cửa khẩu xuất (đối với lô hàng đã được kiểm tra thực tế tại địa điểm ngoài cửa khẩu).

d) Đưa hàng hóa đến cửa khẩu xuất để Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra thực tế (đối với lô hàng thuộc diện phải kiểm tra nhưng chưa được kiểm tra tại địa điểm ngoài cửa khẩu).

e) Luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu với Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

2.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:

a) Tiếp nhận hồ sơ hải quan, làm thủ tục xuất khẩu theo đúng quy định tại quy trình nghiệp vụ hải quan đối với hàng xuất khẩu.

b) Đối với lô hàng xuất khẩu được miễn kiểm tra thực tế thì thực hiện việc đăng ký hồ sơ hải quan và thông quan cho lô hàng trên hồ sơ hải quan, giao chủ hàng tự chuyển hồ sơ và hàng hóa đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

c) Giám sát xếp hàng xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan vào con-ten-nơ (đối với lô hàng xuất khẩu đã được kiểm tra thực tế).

d) Niêm phong các con-ten-nơ hàng xuất khẩu theo quy định tại tiết c trên đây.

e) Lưu hồ sơ hải quan như quy định tại điểm 1.2d Phần II.

f) Giao chủ hàng 01 biên bản bàn giao để làm chứng từ vận chuyển hàng trên đường (biên bản này chủ hàng có trách nhiệm chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cùng bộ hồ sơ kèm theo).

h) Niêm phong hồ sơ hải quan, giao chủ hàng chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu. Hồ sơ gồm: 01 tờ khai hàng hóa xuất khẩu có xác nhận đã làm thủ tục hải quan (đối với lô hàng đã kiểm tra thực tế tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu); hoặc 02 tờ khai hàng hóa xuất khẩu (đối với lô hàng chưa kiểm tra thực tế tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu) và 01 Giấy thông báo thuế (nếu có).

i) Theo dõi lô hàng cho đến khi nhận được Bảng thống kê biên bản bàn giao.

2.3. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:

a) Tiếp nhận lô hàng xuất khẩu, đối chiếu với Biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu lập để thực hiện các công việc còn lại về thủ tục hải quan cho lô hàng xuất:

a1) Đối với lô hàng xuất khẩu phải kiểm tra thực tế, nhưng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chưa kiểm tra thì Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra thực tế hàng hóa, xác nhận kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa vào 02 tờ khai hàng hóa xuất khẩu và thực hiện tiếp các điểm 2.3 c, d, e, f dưới đây.

a2) Đối với lô hàng xuất khẩu đã được Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu kiểm tra thực tế thì Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra tình trạng niêm phong hàng hóa và thực hiện các điểm 2.3 b, c, d, e, f dưới đây.

b) Trường hợp có cơ sở xác định lô hàng có sai phạm thì thực hiện theo quy định tại điểm 1.4a trên đây.

c) Ký xác nhận Biên bản bàn giao và lưu. Thực hiện việc lập Bảng thống kê biên bản bàn giao và hồ sơ theo quy định tại điểm 5 Mục I trên.

d) Đóng dấu xác nhận thực xuất (mẫu dấu nghiệp vụ số 02 ban hành kèm theo Quyết định số 1200/2001/QĐ-TCHQ ngày 23-11-2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) vào ô số 27 tờ khai hàng hóa xuất khẩu. Việc xác nhận thực xuất được quy định như sau:

d1) Đối với hàng xuất qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không:

- Nếu lô hàng đã làm xong thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu thì công chức hải quan làm nhiệm vụ giám sát kho, bãi xác nhận thực xuất.

- Nếu lô hàng mà Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu quyết định kiểm tra thực tế nhưng việc kiểm tra do Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất thực hiện thì sau khi kiểm tra thực tế và niêm phong hải quan, công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa xác nhận thực xuất.

d2) Đối với hàng xuất qua cửa khẩu đường bộ, đường sông: Chỉ khi hàng thực xuất qua cửa khẩu thì Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất mới xác nhận thực xuất.

d3) Đối với hàng xuất qua đường sắt, đường bưu điện: Thực hiện theo quy định về thủ tục hải quan đối với tàu liên vận đường sắt quốc tế và hàng hóa vận chuyển qua đường bưu điện.

d4) Giải quyết trường hợp doanh nghiệp xin điều chỉnh số lượng hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu:

- Đối với trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp phải có công văn gửi hải quan nơi làm thủ tục ít nhất 01 giờ trước khi cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa.

- Đối với hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra thực tế, doanh nghiệp phải có công văn gửi cơ quan hải quan cửa khẩu xuất ít nhất 01 giờ trước khi hàng thực xuất.

Cả 2 trường hợp trên hải quan phải kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng. Nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận thì cơ quan hải quan không chấp nhận việc xin điều chỉnh.

e) Có trách nhiệm giám sát hàng hóa cho đến khi hàng thực xuất.

f) Thực hiện việc luân chuyển Biên bản bàn giao và hồ sơ theo quy định tại điểm 5 Mục 1 trên.

III. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI
HÀNG HÓA NHẬP KHẨU CHUYỂN CỬA KHẨU

1. Đối với lô hàng nhập khẩu có vận đơn ghi địa điểm đến là ICD:

1.1. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập:

a) Kiểm tra tình trạng bao bì hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa: Nếu bao bì và phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan thì cho chuyển hàng về ICD để làm thủ tục. Nếu bao bì hàng hóa hoặc phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu niêm phong, không bảo đảm giữ được nguyên trạng hàng hóa thì yêu cầu người vận chuyển gia cố bao bì dưới sự giám sát của hải quan.

b) Trường hợp có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật hải quan thì lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan, tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn, kiểm tra toàn bộ lô hàng theo quy định và thông báo cho Chi cục Hải quan ICD.

c) Niêm phong con-ten-nơ hàng nhập khẩu theo quy định (đối với trường hợp quy định tại điểm 1.1a trên đây).

d) Lập 02 biên bản bàn giao (theo mẫu phụ lục 2), 01 bản giao cho người vận chuyển làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường và chuyển cho Chi cục Hải quan ICD, 01 bản lưu.

e) Cung cấp các thông tin cần lưu ý về lô hàng cho Chi cục Hải quan ICD.

f) Theo dõi lô hàng cho đến khi nhận được Bảng thống kê các biên bản bàn giao của Chi cục Hải quan ICD gửi trả theo quy định tại điểm 5 Mục I trên.

1.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ICD:

a) Tiếp nhận lô hàng nhập khẩu, đối chiếu với biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập chuyển đến. Trường hợp phát hiện có sự sai lệch về hàng hóa hoặc hồ sơ hải quan thì lập biên bản ghi nhận tình hình cụ thể làm căn cứ cho xử lý sau này, thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập biết.

b) Xác nhận biên bản bàn giao và lưu; lập Bảng thống kê các biên bản bàn giao và fax cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập theo quy định tại điểm a Phần I.

c) Tiếp nhận hồ sơ hải quan, làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng theo đúng quy trình nghiệp vụ thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

d) Thông báo lại (bằng văn bản) cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập kết quả kiểm tra theo các thông tin mà Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lưu ý.

1.3. Trách nhiệm của chủ hàng:

a) Nộp tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại Chi cục Hải quan ICD theo quy định.

b) Làm thủ tục hải quan theo quy định.

1.4. Trách nhiệm của người vận chuyển hoặc doanh nghiệp kinh doanh ICD (nếu doanh nghiệp này thực hiện việc vận chuyển):

a) Bảo đảm nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan, niêm phong của hãng vận tải trong thời gian lưu giữ hàng tại ICD và trong quá trình vận chuyển giữa cửa khẩu nhập và ICD.

b) Luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập và Chi cục Hải quan trên.

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các quy định trên.

2. Đối với lô hàng nhập khẩu có vận đơn ghi địa điểm đến là cửa khẩu nhập, nhưng làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:

2.1. Trách nhiệm của chủ hàng:

a) Phải nộp hồ sơ hải quan theo quy định.

b) Có Đơn đề nghị chuyển cửa khẩu (theo mẫu Phụ lục l) gửi Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu để được xác nhận cho chuyển từ cửa khẩu nhập về địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu: 02 bản chính.

c) Luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập với Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu.

d) Bảo đảm nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan, niêm phong của hãng vận tải trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu (nếu ủy quyền cho người vận chuyển thì trách nhiệm trên thuộc người được ủy quyền).

e) Xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra (đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế).

g) Nộp thuế và lệ phí theo quy định (nếu có).

h) Đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu được Chi cục trưởng Hải quan ngoài cửa khẩu quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, thì ngoài việc thực hiện các trách nhiệm theo quy định, chủ hàng còn phải xuất trình cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập tờ khai hải quan (bản chủ hàng).

2.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:

a) Sau khi đăng ký tờ khai hàng nhập khẩu theo đúng quy định, trên cơ sở Đơn đề nghị chuyển cửa khẩu, lãnh đạo Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu ghi ý kiến của mình vào Đơn đề nghị của chủ hàng, lưu 01 bản.

Niêm phong hồ sơ hải quan gồm: 01 Đơn đề nghị chuyển cửa khẩu, 01 Giấy thông báo thuế, giao cho chủ hàng chuyển tới Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập để làm thủ tục chuyển cửa khẩu cho lô hàng.

b) Tiếp nhận lô hàng nhập khẩu và đối chiếu với biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập chuyển đến. Trường hợp có sự sai lệch về hàng hóa hoặc hồ sơ hải quan thì lập biên bản ghi nhận để làm cơ sở giải quyết tiếp theo, thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập biết.

c) Xác nhận Biên bản bàn giao và lưu; làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng theo đúng quy trình nghiệp vụ thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

d) Thông báo lại cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập (bằng văn bản) kết quả kiểm tra theo các thông tin mà Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lưu ý.

e) Lập Bảng thống kê các biên bản bàn giao và fax cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập.

2.3. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập:

a) Tiếp nhận Đơn đề nghị chuyển cửa khẩu do chủ hàng chuyển đã được chấp thuận của Chi cục Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.

b) Thực hiện các công việc quy định tại điểm 11 Mục III trên.

c) Đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu được Chi cục trưởng Hải quan ngoài cửa khẩu quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, thì căn cứ tờ khai hải quan (bản chủ hàng) do chủ hàng xuất trình, bộ hồ sơ và các quy định khác có liên quan để làm thủ tục hải quan cho lô hàng theo quy định.

3. Đối với những lô hàng hóa nhập khẩu mà tờ khai được đăng ký tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, nhưng việc kiểm tra thực tế hàng hóa do Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện:

3.1. Trách nhiệm của chủ hàng:

Thực hiện theo quy định tại các điểm 2.1 (a, c, e, f) Mục III trên.

3.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:

a) Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan theo quy định.

b) Quyết định hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa.

Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chịu trách nhiệm về hồ sơ hải quan đã được đăng ký và việc quyết định hình thức, tỷ lệ kiểm tra.

c) Niêm phong hồ sơ hải quan gồm: 02 tờ khai hàng hóa nhập khẩu (bản chính) đã được đăng ký; 01 bản kê chi tiết; 01 bản vận tải đơn copy; 01 bản biên bản bàn giao; 01 bản Thông báo thuế. Giao bộ hồ sơ đã niêm phong cho chủ hàng chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện tiếp các bước thủ tục khác.

d) Thực hiện việc ra quyết định điều chỉnh thuế xử lý vi phạm về thuế và xác nhận "Đã làm thủ tục hải quan" theo quy định tại điểm c3.3 dưới đây; thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu biết kết quả xử lý.

3.3. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu:

a) Tiếp nhận hồ sơ hải quan do Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chuyển đến.

b) Thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế đã được lãnh đạo Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu quyết định, xác nhận kết quả kiểm tra theo đúng quy định. Nếu có căn cứ (như: Có thông tin mới về vi phạm của doanh nghiệp tới mức phải thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra; hồ sơ thể hiện sự bất hợp lý về số lượng hàng so với trọng lượng...) thì Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quyết định thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra và thông báo cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu biết việc thay đổi đó.

Chi cục Hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa và việc quyết định thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra.

c) Việc xác nhận "Đã làm thủ tục hải quan" quy định như sau:

Nếu thực tế hàng hóa:

c1) Không có sai lệch so với khai của người khai hải quan thì xác nhận "Đã làm thủ tục hải quan" và quyết định việc thông quan cho lô hàng.

c2) Có sự sai lệch so với khai của người khai hải quan, dẫn đến một phần hoặc toàn bộ lô hàng không được nhập khẩu, thì xác nhận kết quả kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với số hàng khai sai, giải phóng số hàng đúng khai báo, xác nhận "Đã làm thủ tục hải quan", thông báo cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu biết.

c3) Có sự sai lệch so với khai của người khai hải quan dẫn đến phải điều chỉnh số thuế phải nộp thì:

c3.1) Xác nhận kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa.

e3.2) Lập biên bản vi phạm: 03 bản:

- 01 bản gửi Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.

- 01 bản giao cho người khai hải quan.

- Lưu 01 bản (bản chụp từ bản gốc có xác nhận sao y bản chính).

c3.3) Niêm phong hồ sơ lô hàng (bao gồm cả biên bản vi phạm) giao cho người khai hải quan chuyển đến Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu ra quyết định điều chỉnh thuế, xử lý vi phạm về Hải quan và xác nhận "Đã làm thủ tục hải quan".

c3.4) Giải phóng hàng.

KT. Bộ trưởng Bộ Tài chính
Thứ trưởng
[b] Nguồn: Nhandan.org.vn
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 29
Reputation : 0
Join date : 27/01/2010
Age : 34
Đến từ : Việt nam

https://buiquangtruyen.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết